Chúng ta thường mua nhà khi còn trẻ, thiết kế theo sở thích, chăm chút nhất là nội thất phòng ngủ. Nhưng ai rồi cũng sẽ già đi và căn nhà cũng cần thay đổi phù hợp để phục vụ cho bản thân mình...
Càng lớn tuổi, chúng ta càng không thể nào di chuyển dễ dàng như khi còn trẻ được nữa. Điều đó đưa đến câu hỏi: Nội thất phòng ngủ nên có những đặc điểm nào để phù hợp với độ tuổi của mình khi đó. Dưới đây là gợi ý 7 yếu tố chính cần có khi muốn thiết kế lại nội thất phòng ngủ để bạn tham khảo.
Giường cần có độ cao phù hợp
Khi già đi, các khớp trong cơ thể trở nên yếu đi khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Mà trong thiết kế nội thất phòng ngủ, giường ngủ là tối quan trọng.
Một chiếc giường cao hơn giường thông thường (chiều cao của 1 chiếc giường thông thường là từ 2-3 feet) sẽ đảm bảo cho người cao tuổi không phải cúi người quá nhiều khi lên xuống giường. Chiều cao lý tưởng đối với giường dành cho người cao tuổi là 25-36 inch.
Sàn chống trượt
Sàn nhà thông thường, không chống trượt, vốn đã không tốt cho bất kỳ ai, nhưng chúng có thể đặc biệt gây rắc rối cho người cao tuổi. Nguyên nhân như đã nói là các kỹ năng vận động của một người trở nên yếu hơn khi họ già đi khiến họ dễ bị trượt ngã.
Trong một ngôi nhà có người cao tuổi sinh sống phải lắp sàn chống trượt để đảm bảo dễ di chuyển, nhất là ở phòng ngủ. Có thể chọn sàn loại gỗ bần, cao su, vải sơn và sàn gỗ cứng để đạt được mục tiêu này.
Điện tự động
Còn trẻ, còn khoẻ mạnh, chúng ta thường có vẻ không khó khăn lắm khi phải đứng dậy và đi bộ một chút để bật/tắt đèn, quạt hay máy lạnh trong phòng ngủ. Nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy như vậy nữa nếu bị bệnh.
Tương tự như vậy, một người ở độ tuổi đã cao sẽ không có đủ năng lượng, ý chí và các khớp trơn tru để di chuyển tới lui liên tục trong phòng.
Để giúp họ tiết kiệm công sức, có thể lắp đặt hệ thống chiếu sáng tự động trong nhà (loại cảm ứng). Thực tế hiện nay, công nghệ tiên tiến còn cho phép chúng ta vận hành tất cả các thiết bị điện trong nhà từ chiếc điện thoại di động.
Ánh sáng phù hợp
Mọi lứa tuổi đều cần có ánh sáng phù hợp trong nhà để đảm bảo cho mắt không bị căng thẳng quá mức, nhìn rõ hơn. Đối với người cao tuổi vốn đã gặp vấn đề về thị lực, việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng phù hợp càng trở nên quan trọng hơn.
Ngoài ra, nên lắp đèn chiếu sáng nhỏ trong phòng ngủ để người lớn tuổi có thể dễ dàng tìm thấy đồ đạc của mình. Hãy đảm bảo bạn tạo ra sự kết hợp tốt giữa ánh sáng trắng và vàng.
Trang trí tối giản
Để đảm bảo di chuyển dễ dàng hơn, nội thất phòng ngủ dành cho người cao tuổi ở chỉ nên có những đồ thật cần thiết. Quá nhiều đồ trang trí sẽ chỉ cản trở chuyển động của họ, ngoài việc làm cho không gian sinh hoạt trở nên lộn xộn thêm.
Sự tối giản trong thiết kế nội thất sẽ giúp tạo ra lối đi dễ dàng cho người cao tuổi, giảm nguy cơ va chạm hoặc vấp ngã vào thứ gì đó trong phòng.
Tay nắm cửa thoải mái
Cần lắp tay nắm kiểu đòn bẩy thay vì núm cửa (dạng khối tròn) bởi vì chúng dễ sử dụng đối với những người bị viêm khớp hoặc các bệnh thần kinh khác. Đối với ngăn kéo và tủ, tay nắm lớn sẽ lý tưởng hơn. Phụ kiện đi kèm các đồ nội thất này cũng nên chọn loại nhẹ.
Màu sắc phòng ngủ dịu nhẹ, mát mẻ
Màu sắc có thể thay đổi cảm giác của chúng ta. Trong khi những tông màu rực rỡ có thể lý tưởng với trẻ em và các cặp đôi trẻ thì những tông màu dịu nhẹ và mát mẻ sẽ phù hợp hơn với người già.
Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra lời nên sử dụng các màu pastel như trắng đục, xanh bạc hà, nâu… trong phòng ngủ của người cao tuổi.
Vạn Đại An dịch và biên tập lại từ Makaan.com