Xuất khẩu gỗ nội thất đang tăng trưởng tốt nhưng thị trường lớn là Mỹ lại khó đoán, trong khi cước tàu biển đang tăng là các ẩn số đối với đà phục hồi nửa cuối năm 2024 của ngành này.
Ngành xuất khẩu gỗ nội thất lạc quan
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã mang về 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 18% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Hải quan. Riêng sản phẩm gỗ ước tính hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5%. Cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều tăng trưởng dương.
“Xuất khẩu gỗ đã hồi phục trở lại”, bà Đỗ Thị Kim Loan – Tổng giám đốc Công ty Sao Nam chuyên sản xuất ván sàn cho biết. Và theo bà Loan, khách hàng từ Nhật Bản đã quay lại như xưa trong khi khách Mỹ thì có sự cải thiện.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nói các công ty thuộc hiệp hội đã có đơn hàng cho quý III/2024, một số còn có đơn cho quý IV. “Đa số đánh giá đơn hàng đã phục hồi tốt hơn nhiều so với nửa cuối năm 2023”, ông nói.
Năm ngoái, ngành gỗ nội thất xuất khẩu 14,3 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022 và không đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD. Năm nay, ngành này đặt lại mục tiêu này trong bối cảnh các doanh nghiệp và chuyên gia lạc quan hơn về sức mua của thế giới.
Tuy nhiên các diễn biến gần đây cũng cho thấy việc bán được gần 12 tỷ USD trong 7 tháng còn lại của năm sẽ không đơn giản, khi một số yếu tố khó đoán đang nổi lên.
Tình hình đến cuối năm vẫn khó đoán
Đầu tiên là sức mua của Mỹ, thị trường chiếm hơn một nửa kim ngạch. Năm tháng qua, nước này chi hơn 3,33 tỷ USD mua gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, tăng 26%. Ngoài khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể giảm lãi suất vào tháng 9 giúp kích cầu tiêu dùng và bất động sản thì các dữ liệu mua sắm chưa có nhiều tích cực.
Theo thông tin công bố vào tuần trước của hãng nghiên cứu thị trường GlobalData, chi tiêu cho các mặt hàng liên quan đến không gian sống trong quý I/2024 như đồ gia dụng, nội thất và cải tạo nhà cửa lần lượt giảm 4,2%, 6,8% và 4,1% so với cùng kỳ 2023.
Cùng với đó, cước tàu biển gần đây tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 tại một số tuyến Việt Nam đi quốc tế, do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột. Ông Quốc Khanh cho biết hiện đa số doanh nghiệp xuất khẩu giá FOB, tức người mua trả tiền vận chuyển. Tuy nhiên, giá cước tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc khách hàng cân nhắc có nên tiếp tục đặt đơn những tháng cuối năm hay không.
Kết hợp giữa xu hướng tiêu dùng thị trường Mỹ và giá cước, triển vọng đà phục hồi đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất cuối năm khó đoán hơn. “Nếu nhu cầu thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng tốt, nhà nhập khẩu mới tính toán đủ lời để chịu phí cước tăng và tiếp tục đặt hàng cho mùa cuối năm. Đó là một ẩn số”, ông Khanh nói.
Trong khi đó trên Reuters, nhà phân tích Joseph Feldman của Telsey Advisory có nhận định: “Lò nướng ngoài trời, bàn ghế sân vườn, TV, sofa, giường, tất cả sản phẩm đều gặp chút khó khăn gần đây”.
Tính đến quý I/2024, doanh số của Home Depot – chuỗi bán lẻ thiết bị nhà cửa lớn nhất ở Mỹ – đã giảm 3 quý liên tiếp, do khách hàng vật lộn với lãi suất thế chấp và lạm phát cao. Đầu năm đến nay, cổ phiếu công ty đã giảm 3,6%.
Cả nhà sản xuất lẫn nhập hàng đang có những động thái xoay sở để duy trì sức mua trong bối cảnh khó lường. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho hay, các đơn hàng đi Mỹ phục hồi về sản lượng tính theo container nhưng giá trị giảm.
“Trước đây, khách Mỹ đặt ván dày 21mm, nay đặt mỏng hơn với chỉ 15mm. Hay như khách Nga xưa mua ván có phần lót gỗ ép 15 mm và ván phủ 6 mm thì nay độ dày tổng cộng cũng chỉ 15 mm để rẻ tiền hơn”, bà Loan ví dụ.
Ngoài thay đổi quy cách theo nhu cầu khách hàng quốc tế để phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, công ty bà Loan còn quay về tìm kiếm cơ hội ở thị trường nội địa. Gần đây, họ phát triển ra loại ván sàn với lớp lót làm bằng bột đá thay cho ván ép, bề mặt phủ 2 mm veneer (gỗ tự nhiên được lạng mỏng).
Vì chi phí bột đá rẻ hơn ván ép nên giá thành của loại ván mới thấp hơn dòng truyền thống. Sản phẩm này đã tìm được vài khách hàng dự án đầu tiên, trong đó có một chung cư phân khúc trung – cao cấp đặt 10.000 m2 sàn ở Hà Nội. Bà Loan định mở thêm đại lý ở miền Tây và miền Trung để tiếp cận phân khúc nhà ở gia đình. “Lúc này, mình phải làm những sản phẩm hợp túi tiền để thích nghi”, bà nói.
Việt Nam là nhà sản xuất đồ nội thất lớn thứ 6 thế giới
Trong thập niên qua, Việt Nam vươn lên thành nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới năm 2023 trong chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu.
Thông tin này được công bố bởi tổ chức nghiên cứu tư vấn về thị trường nội thất và ngành công nghiệp CSIL (Center for Industrial Studies, Ý) tại “Diễn đàn Đồ gỗ và Nội thất” thuộc khuôn khổ HAWA Expo 2024 ở TP.HCM
Theo đó, Việt Nam đã từ hạng 13 vào năm 2014 lên hạng 6 năm 2023, tính theo quy mô giá trị. Hiện top 5 nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ý, Đức và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ đã giữ vững vị trí thứ nhất và thứ nhì suốt thập niên qua.
Bà Giovana Castellina – Giám đốc nghiên cứu đa khách hàng về nội thất tại CSIL đánh giá ngành nội thất Việt Nam khá linh hoạt, tăng trưởng nhanh hơn các nước khác trong 10 năm qua. “Ban đầu nơi đây chủ yếu cung cấp đồ ngoài trời nhưng giờ đã phát triển mạnh nội thất…”, bà nói.
Cũng theo CSIL, trung bình hằng năm Việt Nam tăng trưởng 10% về sản xuất và 11% về xuất khẩu nội thất, đứng thứ hai châu Á. “Xuất khẩu là động lực tăng trưởng, chiếm 93% tổng sản lượng sản xuất”, bà nói
Theo dữ liệu của Tổng cục Lâm Nghiệp, trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm ngoái, đồ nội thất chiếm đến 82,9%, đạt gần 8,4 tỷ USD.
Chuyên gia Cục Lâm Nghiệp, TS Nguyễn Tuấn Hưng đánh giá tiềm năng của ngành nội thất là thị trường quốc tế quy mô 405 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, nguồn nguyên liệu trên 30 triệu m3 khai thác hàng năm, đáp ứng được 75% nhu cầu.
“Gỗ là vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng tái tạo, giảm phát thải nếu khai thác hợp pháp. Chúng tôi đang thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng và mã số vùng trồng”, ông Hưng nói.
Tổng hợp và biên tập lại từ VNE