Sản xuất nội thất Việt cần tự lực, tiết kiệm và gia tăng lợi thế cạnh tranh

san xuat noi that sat go van dai an
28/02/2024

Việc chuyển đổi sang sản xuất nội thất xanh, giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu xanh, nhiên liệu tái tạo là xu hướng tất yếu để phát triển ngành bền vững.

Ngành sản xuất nội thất Việt đang đối mặt với thách thức lớn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là đóng cửa. Doanh số xuất khẩu đến hết năm 2023 đạt xấp xỉ 14,5 tỷ USD, giảm 14-16% so với năm 2022.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên ấn phẩm Gỗ & Nội thất của HAWA (Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM) ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định ngành sản xuất nội thất Việt đã có những tín hiệu khởi sắc trong năm 2024.

  • Sau nhiều năm tăng trưởng đều thì kết quả xuất khẩu năm 2023 lại bất ngờ thấp hơn mục tiêu đề ra. Ông đánh giá thế nào về tình hình này?

Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu để chống lại lạm phát tăng cao cùng ảnh hưởng của các cuộc xung đột Nga – Ukraine, Israel – Hamas…, các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chưa kể ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ áp thuế chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với 37 DN sản xuất ván dán Việt Nam với mức thuế lến đến 201% và việc các DN bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, đã dẫn đến khó khăn trong huy động vốn. Tuy nhiên, những điều trên không nằm ngoài dự đoán.

Bước sang năm 2024, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Một số DN đã nhận được đơn hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu sẽ dần phục hồi và đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 15,2 tỷ USD; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là 14,1 tỷ USD.

  • Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng của ngành trong năm 2024?

Theo tôi, động lực của ngành chủ yếu vẫn đến từ xuất khẩu. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2024 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9%; riêng kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,1% sẽ tạo đà cho xuất khẩu nội thất của Việt Nam dần hồi phục. Năm 2023, giá trị xuất khẩu nội thất chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản, trong đó Hoa Kỳ chiếm gần 76% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Ngoài ra, tại COP28 (Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28) hồi cuối năm 2023 đã đạt được thỏa thuận bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tương lai, các nhà máy nhiệt điện của Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác sẽ đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang viên nén gỗ.

Sự tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản còn đến từ sự quan tâm, chỉ đạo, đồng hành của Nhà nước; sự hỗ trợ của các hiệp hội; tính tự chủ, tự cường, nỗ lực tìm kiếm thị trường từ phía DN và nhất là mục tiêu chuyển đổi sản xuất xanh, chuyển đổi số của toàn ngành.

san xuat noi that van dai an
Một trong những công trình nội thất do Vạn Đại An sản xuất thi công trọn gói
  • Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc áp lực phải chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, giảm tiêu thụ nguyên liệu hóa thạch… sẽ tạo động lực phát triển cho ngành như thế nào?

Từ ngày 1/1/2024, Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) chính thức có hiệu lực. Việc tuân thủ EUDR đồng nghĩa với việc công khai, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại EU cũng như các thị trường quan trọng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu xanh, nhiên liệu tái tạo là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Nếu đạt được mục tiêu này, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ tạo được uy tín, thu hút khách hàng, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Theo tôi, đó là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của ngành.

  • Vậy trước áp lực ấy, DN cần chuẩn bị những gì?

Lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng và đóng góp đáng kể trong tiến trình chuyển đổi sản xuất xanh mà Thủ tướng đã cam kết tại COP26. Chính phủ cũng đã ban hành quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone.

DN cần thực hiện tốt quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt là khi nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường rủi ro về nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, hướng tới cam kết Net-zero thông qua việc đầu tư công nghệ ít phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu tái tạo, sử dụng các loại nguyên vật liệu sản xuất xanh.

Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, DN nên đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại hoạt động theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp.

san xuat noi that van dai an
Một công trình nội thất do Vạn Đại An sản xuất thi công trọn gói
  • Một nguyên nhân khiến xuất khẩu nội thất thời gian qua gặp khó khăn là sự bị động, phụ thuộc vào đơn hàng gia công. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản gồm các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến và thương mại. Trong đó giá trị thương mại chiếm từ 30-35% giá trị của chuỗi. Công việc chính của khâu này là xây dựng kênh phân phối (chuỗi cửa hàng), thương hiệu, quảng bá, xúc tiến bán hàng.

Hiện DN Việt Nam mới tập trung vào khâu trồng rừng, chế biến, sản xuất chứ chưa xây dựng được kênh phân phối sản phẩm, thương hiệu của riêng mình nên bị động trong việc tiếp cận người tiêu dùng, phụ thuộc vào nhà phân phối nước ngoài.

Đã đến lúc DN gỗ thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hoạt động thương mại ở nước ngoài. Việc này đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và phải có đội ngũ nhân viên am hiểu thói quen, phong tục tập quán, sở thích của người tiêu dùng tại thị trường bản địa… Nói cách khác, các DN cần chuyển đổi tư duy của người sản xuất sang tư duy của người bán hàng để có thể gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm./.

san xuat noi that van dai an
Một góc xưởng sản xuất nội thất sắt gỗ của Vạn Đại An tại TP.HCM

Vạn Đại An dẫn lại bài viết từ HAWA

Nếu quý khách muốn tìm hiểu thêm, xin vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp!